Thị xã Duyên Hải là vùng ven biển chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) bởi tình trạng hạn hán, nước mặn xâm nhập ngày càng sâu hơn vào đất liền với chiều hướng tăng nhanh, kéo dài và độ mặn hàng năm tăng cao.
Trước thực trạng trên Thị đoàn Duyên Hải đã phối hợp Phòng Kinh tế thị xã triển khai đến các cơ sở đoàn và người dân trên địa bàn thị xã xây dựng và triển khai thực hiện mô hình “Chuyển đất lúa nhiễm mặn sang trồng cỏ nuôi bò theo hướng an toàn sinh học” nhằm hỗ trợ đoàn viên, thanh niên trên địa bàn chuyển đổi vùng đất trồng lúa bị xâm nhập mặn hoặc đất canh tác lúa kém hiệu quả, manh mún sang trồng cỏ kết hợp chăn nuôi bò góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một diện tích đất canh tác, giúp giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho đoàn viên, thanh niên vùng ven biển thị xã Duyên Hải.
Đồng chí Phạm Hoài Ân, Ủy viên Ban Thường vụ Thị đoàn – Bí thư Đoàn Phường 2 hỗ trợ mô hình khởi nghiệp
trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu
Mô hình triển khai tại các xã Trường Long Hoà, Dân Thành, Hiệp Thạnh, Long Hữu, với qui mô hộ gia đình mỗi hộ đoàn viên, thanh niên khoảng 3-4 con bò vỗ béo với giá mỗi con dao động 15 – 20 triệu đồng/con. Mô hình triển khai từ tháng 01 năm 2024. Đến nay, sau 10 tháng nuôi, đàn bò tăng trưởng và phát triển tốt. Theo đánh giá của cán bộ phụ trách Nông nghiệp của các xã thì đến nay đàn bò có giá bán dao động từ 25 – 30 triệu đồng/con; trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/con.
Mô hình nuôi bò vỗ béo của Anh Lê Hà Anh Tuấn ấp 17, xã Long Hữu, thị xã Duyên Hải
Lê Hà Anh Tuấn được hỗ trợ 30 triệu đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội huyện Duyên Hải. Anh tuấn đã thực hiện mục tiêu chung là ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái. Về hiệu quả kinh tế: so sánh giữa mô hình trồng lúa (2 vụ/năm) với diện tích trồng lúa 02 ha, lãi thu được bình quân trên 1 tháng là 2.130.000 đồng. Đối với mô hình trồng cỏ nuôi bò (10 tháng) với diện tích 02 ha trồng cỏ nuôi bò, lãi thu được bình quân trên 1 tháng là 4.160.000 đồng.
Mô hình Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò theo hướng an toàn sinh học trên vùng đất bị nhiễm phèn, mặn hoặc đất canh tác lúa kém hiệu quả, manh mún sang trồng cỏ kết hợp chăn nuôi bò đã thực hiện tốt, nâng cao giá trị thu nhập trên một diện tích đất canh tác, nâng cao thu nhập so với sản xuất lúa trước đây. Điều này đã góp phần cải thiện đời sống cho đoàn viên, thanh niên và người dân. Ngoài ra, hoạt động mô hình đã góp phần củng cố, nâng cao năng lực tổ hợp tác hoặc hợp tác xã; thu hút các hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật quản lý nhằm giảm khí phát thải trong chăn nuôi, góp phần phát triển nghề nuôi bò một cách bền vững.
Qua kết quả đạt được đã tạo động lực cho đoàn viên, thanh niên và người dân mạnh dạn trong việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò. Đây là hướng chuyển đổi hợp lý góp phần tăng thu nhập cho đoàn viên, thanh niên và người dân tại địa phương trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Thị đoàn Duyên Hải